Công nghệ khai thác đá khối của Ấn Độ, chi phí thấp, hiệu quả cao

Công nghệ khai thác đá khối của Ấn Độ, chi phí thấp, hiệu quả cao

1. Làm việc tại vùng mỏ thuộc Udapure Bang Rajasthan, India.

-Số mỏ đã thăm: 7 Mỏ trong đó 3 mỏ đá trắng, 4 Mỏ các loại marble khác.

-Thăm Mỏ đá trắng của RK marble tại ấn độ - Mỏ đá trắng lớn nhất thế giới.

-Thăm khu sản xuất , chế biến đá khối của ấn độ.

Tại Udaipure có khoảng 2.500 Mỏ lớn, nhỏ khác nhau. Phần lớn các Mỏ sản xuất đá khối có diện tích dưới 5ha, vì ở đất nước Ấn Độ việc phân chia diện tích mỏ khai thác giống như bên Việt Nam chúng ta phân chia ruộng đất. Do vậy, tùy vào quy mô mà họ áp dụng công nghệ khai thác cho phù hợp. Trong đó tập trung hai dạng khai thác chính:

+ Thứ nhất - Nếu Mỏ lớn và tập trung như của RK: họ sẽ tiến hành bóc phủ tập trung trên diện rộng, sử dụng thiết bị khai thác như máy cắt dây kim cương, kích thủy lực , máy đào,… để tạo ra khối đá và dùng xúc lật để bốc lên xe vận tải.

+ Thứ hai - Với các mỏ nhỏ hơn: sử dụng thiết bị cắt dây kim cương, kích thủy lực, máy đào,… dùng cẩu 3 chân Derrick cố định tại mỏ để bốc lên xe vận tải.

Như vậy, qua một quá trình nghiên cứu thực tế tại Ân Độ chúng ta thấy rằng, nếu áp dụng thực tế vào ViệtNam thì ta có thể áp dụng phương án thứ hai dành cho các Mỏ có quy mô nhỏ, giống như Ấn Độ đang sử dụng trong 3-5 năm đầu dự án. Sau 5 năm phát triển và khai thác thành công thì có thể sử dụng phương án quy mô lớn hơn.

 

  

Hình 1: Sử dụng máy đào để lật khối đá lớn đã cắt xong

 

Hình 2: Sau khi lật xong khối đá thì sử dụng máy cắt dây cắt nhỏ các khối đá

 

Như chúng ta biết, tại Ấn Độ công nghệ khai thác đá của họ rất phát triển và tận dụng gần như triệt để nguồn tài nguyên này vì họ áp dụng cách khai thác có chi phí thấp mà năng suất thu được rất cao. Chúng ta hãy tưởng tượng mỗi Mỏ tại ấn độ bóc phủ ban đầu 1,5 – 2 triệu m3 mới tới đá, khai thác như đã miêu tả thì đá khối được vận chuyển về nhà máy cắt trên các cưa 80 lưỡi ( Gangsaw) sau đó bán tại thị trường giá giao động 120.000 – 500.000 đ/m2 nhưng các chủ mỏ vẫn có lãi lớn. Điều này chứng tỏ giá thành sản xuất của “công nghệ khai thác đá kiểu ấn độ” là rất thấp.

 Giá đá trắng của Việt Nam bán tại Ấn Độ cao hơn từ 6 – 8 lần so với đã trắng Ân Độ. Lý do là đá trắng Việt nam chủ yếu thuộc dòng Can xit ( 98% Caco3), trong khi đá trắng của Ấn Độ thuộc dòng Đo lô mít ( hàm lương Caco3 khoảng 60-67%, còn lại là tạp chất MgO, SiO2,..). Đá trắng Ấn Độ chỉ làm đá xẻ chứ không nghiền bột siêu mịn được vì hàm lượng tạp chất quá cao. (Tham quan chúng ta thấy rất nhiều bãi “nghĩa địa” họ đổ phế thải – điều này cũng làm tăng chi phí sản xuất của họ).

Hiện nay công ty RK marble cũng đang khai thác đá trắng tại Lục Yên – Yên Bái theo công nghệ Ấn Độ trên quy mô lớn ( sử dụng máy xúc lật – trị giá đầu tư khoảng 600.000USD máy – để bốc xúc). Điều này có thể mở đầu cho một xu hướng áp dụng công nghệ khai thác hiện đại tại các mỏ marble của Việt nam.

 

Hình 3: Những tầng cắt có thể từ 10-15m

Như vậy có thể khái quát quá trình khai thác đá trắng của Ấn Độ bằng ba bước như sau:

 

Bước 1: Phương án “cắt từ đỉnh núi” xuống, khảo sát, bóc phủ,…  tìm các vị trí phù hợp để mở vỉa khai thác. Muốn vậy phải làm đường lên đỉnh để khai thác.

Bước 2: Sử dụng khoan định hướng, luồn dây cắt và máy cắt để cắt những khối lớn (chiều cao và rộng hàng chục mét dày khoảng 3m –xem hình 1 và 2) sau đó lật đổ các khối này xuống và dùng máy cắt công suất bé hơn để chia nhỏ các khối block cho vừa với kích cỡ của máy cưa ( 3mx2,5mx2m).

Bước 3: Sử dụng máy xúc lật hoặc cẩu 3 chân cố định để vận chuyển khối đá thành phẩm lên xe tải chuyển về nhà máy xe đá.

Chú ý quan trọng khi áp dụng cách khai thác này:  Đó là mỗi khối đá cắt ra phải đúng thớ và phù hợp với nhau về hoa văn (matching), cho nên chúng ta cần thuê chuyên gia tư vấn cách khoan lỗ luồn dây theo hướng nào để có thể tối đa giá trị của khối đá (tiếng Anh: phải hiểu ANG CUTTING – có thể là angle cutting chăng?). Qua chuyến đi khảo sát các Mỏ đá tại Ấn Độ, chúng tôi cũng đã lựa chọn được 2 chuyên gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực này và mời họ sang làm cho Công ty Cổ phần VINAVICO từ ngày 4/3/2010

Hình 4: Sử dụng cẩu 3 chân Derrick để bốc đá lên xe ô tô

Hình 5. Mỏ của RK marble tại Udaipure

2. Kết luận:

Qua chuyến đi làm việc tại ấn độ , mặc dù thời gian không dài nhưng kết hợp với  kiến thức chúng tôi tích lũy, tìm hiểu và thu thập về công nghệ khai thác, chế biến đá trong suốt 2 năm qua, có thể rút ra mấy điểm làm tiền đề cho định hướng phát triển của VINAVICO trong lĩnh vực khoáng sản như sau:

Thứ nhất: Người Việt Nam chưa có văn hóa dùng đá lâu năm như những nước trong khối EU hay Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,… nhưng hiện nay xu hướng này đang thay đổi vì có rất nhiều trường phái thiết kế nước ngoài trong xây dựng đang được du nhập vào Việt Nam. Hơn nữa thị trường khai thác đá trong nước hứa hẹn rất nhiều tiềm năng, chắc chắn trong tương lai gần nghề khai thác và chế biến đá sẽ có cơ hội phát triển mạnh ngay tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai: Công nghệ khai thác của chúng ta còn manh mún, hiệu suất thấp, lãng phí nguồn tài nguyên trong khai thác. Nếu chúng ta kết hợp công nghệ như Ấn Độ thì rất phù hợp vì vốn đầu tư thấp mà hiệu suất lại rất cao.

Thứ ba: Chúng ta phải có định hướng mở rộng đầu tư sang các loại đá khác. Ngay sau khi ổn định đầu tư đá trắng cần mở rộng các loại marble khác như đá xanh, đá vàng, đá nâu,… cần phải phát triển ở một quy mô lớn, chủng loại đa dạng, giá thành chuyên biệt cho nhiều đối tượng khách hàng. Có như vậy mới có thể kiến tạo được thị trường và điều tiết được thị trường theo hướng có lợi cho chúng ta. Thực tế tại Ấn Độ cho thấy đây chính là cách mà RK marble phát triển trong suốt 25 năm qua. Họ dùng lợi nhuận thu được từ 1 mỏ ban đầu đi mua lại các mỏ khác và ngày càng lớn mạnh hơn.

Mai Hồng Bàng – CEO of VINAVICO JSC.