Thành lập tổ quản lý làng nghề đá ở Yên Lâm

Thành lập tổ quản lý làng nghề đá ở Yên Lâm Trên địa bàn xã Yên Lâm (huyện Yên Định) hiện có 43 doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác, chế biến đá xuất khẩu. Tại những DN này từng xảy ra tai nạn lao động làm chết người, quá trình khai thác gây ô nhiễm môi trường... Xuất phát từ những bất cập trên, chính quyền địa phương đã thành lập "Tổ quản lý làng nghề" do Công an xã Yên Lâm điều hành đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước ổn định tình hình khai thác mỏ, chế biến đá, quyền lợi NLĐ được đảm bảo.
/uploads/134/BTB-8794-1_FGSC.jpg.ashx
Công nhân làm việc tại Cty Nam Thái Sơn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Ảnh: Anh Tuấn
Tháo gỡ vấn đề nổi cộm

Hơn 3 năm trước, việc khai thác đá ở 43 DN hoạt động trên địa bàn xã Yên Lâm thường xảy ra nhiều bất cập, gây mất ổn định về an ninh trật tự. Số lao động (LĐ) về đây làm việc dao động trong khoảng 4.500-5.000 người, trong đó có tới 2/3 là công nhân (CN) đến từ các địa phương khác, gây không ít khó khăn đối với công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương - nơi có nhiều mỏ đá có khối lượng lớn, chất lượng tốt.

Mối quan hệ giữa các chủ DN thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp vùng mỏ. DN sử dụng vật liệu nổ trong khai thác đá lộn xộn, nổ mìn không đúng giờ quy định, dẫn tới sự bức xúc đối với người dân sở tại và từng xảy ra sự việc nghiêm trọng làm chết người.

Môi trường mỏ ô nhiễm, NLĐ không được quan tâm về vấn đề tập huấn an toàn vệ sinh LĐ, chế độ tiền công làm khoán theo thỏa thuận miệng, từ đó, thiệt thòi thường thuộc về phía NLĐ...

Ông Nguyễn Xuân Thái - Chủ tịch UBND xã Yên Lâm - cho biết: Trước thực trạng trên, Đảng ủy và UBND xã quyết định thành lập "Tổ quản lý làng nghề", nhằm mục đích giúp chính quyền địa phương quản lý toàn bộ công tác đất đai, môi trường, sử dụng vật liệu nổ, an ninh trật tự... của vùng mỏ.

Ông Đoàn Quang Phi -Trưởng CA xã Yên Lâm - bổ sung: Từ khi "Tổ quản lý làng nghề" ra đời, những vấn đề nổi cộm từng bước được tháo gỡ. Hiệu quả đầu tiên thấy rõ nhất, đó là việc nổ mìn không diễn ra bừa bãi như trước, mà các DN ý thức nổ đúng giờ quy định, vì thế cảnh ô nhiễm môi trường do bụi và đá bắn giảm đi đáng kể. Tình trạng tranh chấp vùng mỏ cũng ổn định.

Người lao động được quan tâm hơn
Một điều đặc biệt, kể từ khi có "Tổ quản lý làng nghề", các DN đã có sự quan tâm nhiều hơn đến NLĐ. DN chủ động mở lớp tập huấn kỹ năng khai thác đá đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ LĐ theo định kỳ và theo nhu cầu thực tế...

Chị Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch CĐ Cty TNHH chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn (Cty Nam Thái Sơn) - cho biết: Toàn bộ 170 LĐ của Cty Nam Thái Sơn đều được tập huấn công tác an toàn, vệ sinh LĐ, hướng dẫn kỹ năng chế tác đá nhằm mang lại hiệu quả làm việc cao nhất cho NLĐ, Cty cấp đầy đủ dụng cụ bảo hộ LĐ. Bình quân, nếu NLĐ làm đủ 26 công/tháng sẽ có thu nhập từ 5-7 triệu đồng, đảm bảo chi tiêu sinh hoạt và nuôi con cái ăn học.

Ông Nguyễn Đăng Diễn - Phòng Tổ chức hành chính Cty Nam Thái Sơn - nói: Ở DN này mới có hơn 50 LĐ tham gia BHXH. Theo ông Diễn thì hiện nay Cty Nam Thái Sơn đang xây dựng trở thành DN điển hình ở Yên Lâm.

Chính vì vậy, các quyền, lợi ích của NLĐ, Cty đặc biệt chú trọng. Sau khi được tuyển dụng, Cty Nam Thái Sơn trả tiền công cho CN dựa trên thang bảng lương được xây dựng khoa học, đảm bảo sự công bằng.

“Chúng tôi đã tính chi cả tiền đóng BHXH cho NLĐ trong bảng lương chấm công. Thế nhưng nhiều CN vẫn còn thờ ơ với chính quyền và lợi ích của mình. Cty đang tích cực tuyên truyền, vận động để toàn bộ CNLĐ hiểu và tham gia BHXH” - ông Diễn nói.

Anh Tuấn (laodong.com.vn)